TÂM SỰ “NGHỀ ĐIỀU DƯỠNG"

Ngày đăng: 26/05, 10:33

TÂM SỰ “NGHỀ ĐIỀU DƯỠNG”
 
Ngày 12/5 được Hội đồng Điều dưỡng Thế giới chọn làm Ngày Điều dưỡng Thế giới để tưởng nhớ công lao của Bà Florence Nightingale (1820 – 1910)  người khai sinh ra Ngành Điều dưỡng và có nhiều công lao trong việc xây dựng Ngành này. Bà là người đầu tiên đặt nền tảng về vệ sinh trong các cơ sở y tế, khẳng định tầm quan trọng của Người điều dưỡng trong việc chăm sóc sức khỏe người bệnh. Bà đã trở thành người mẹ tinh thần của Ngành Điều dưỡng thế giới.


  

Florence Nightingale - người phụ nữ sáng lập ngành điều dưỡng Thế giới

 
Nhân dịp ngày điều dưỡng thế giới chúng tôi những người làm nghề “ Điều dưỡng” muốn nói lên đôi dòng tâm sự.  Luôn song hành với Bác sĩ trên mọi chặng đường chăm sóc và bảo vệ sức khỏe, đó là Người Điều dưỡng... Những người với nụ cười hiền hậu và sự chăm sóc tận tâm, luôn yêu thương, chăm sóc người bệnh như chính người thân của mình. Điều dưỡng cũng chính là người gắn bó với người bệnh nhiều nhất, đặc biệt trong những lúc nằm viện chính những Điều dưỡng là người đã luôn duy trì tinh thần của Nightingale bên ngọn đèn dầu – thức canh giấc ngủ ngon cho từng người bệnh, và luôn sẵn sàng cho mọi chăm sóc về Y tế và chăm sóc cả tinh thần, cùng người bệnh vượt qua những cơn đau của bệnh và sự mệt mỏi về tinh thần trong quá trình điều trị.
 

 

 

 

Hình ảnh Khoa Hồi sức cấp cứu:Trung tâm y tế Huyện Đak Đoa 

 

 

Người ta ví điều dưỡng là “nghề làm dâu trăm họ”, bởi đối tượng mà điều dưỡng tiếp xúc chính là người bệnh. Chúng tôi chăm sóc người bệnh theo một cách toàn diện và liên tục, từ tư vấn và hướng dẫn cho người bệnh, người nhà về: giáo dục sức khỏe, cách tự chăm sóc, tự theo dõi trong thời gian nằm viện và sau khi ra viện về nhà; trợ giúp bác sĩ thực hiện các thủ thuật, phẫu thuật; hay chăm sóc tinh thần cho người bệnh là một phần không thể thiếu. Trường hợp cần chăm sóc cấp I là người bệnh nặng, bị hôn mê, thậm chí nguy kịch tính mạng và phải nằm bất động thì điều dưỡng viên sẽ chăm sóc toàn diện cho người bệnh (bao gồm cả chăm sóc vệ sinh cá nhân); chăm sóc dinh dưỡng giúp bệnh nhân phục hồi nhanh nhất có thể; hay như việc chăm sóc phục hồi chức năng là công việc khó khăn nhất và cần sựkiên trì nhất ở người điều dưỡng…
 
Làm nghề điều dưỡng ngoài tình yêu nghề, có lương tâm nghề nghiệp, còn phải biết nhẫn nại, lắng nghe và thấu hiểu bệnh nhân. Bệnh nhân vào cấp cứu lúc bất ngờ, không có sự chuẩn bị, nhiều khi chúng tôi đang ăn dở miếng cơm trực cũng phải bỏ bát đi theo. Những ca trực đêm của chúng tôi đều trắng đêm theo dõi tình hình người bệnh. Vất vả là thế, nhưng hạnh phúc nhất là khi giành giật lại sự sống cho bệnh nhân từ tay tử thần, vui lắm rồi như thế càng yêu nghề hơn, càng gắn bó hơn . Mặc dù vất vả là vậy nhưng điều dưỡng tại bệnh viện vẫn luôn tận tụy, miệt mài trong việc điều trị và chăm sóc người bệnh. 
 
 
Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhânphòng hồi sức
 
Hầu hết mọi người tại bệnh viện luôn tâm niệm, thái độ ứng xử hết sức cần thiết đối với mỗi người thầy thuốc đặc biệt là những người điều dưỡng, phải luôn lắng nghe và thấu hiểu nỗi đau của người bệnh, cảm thông và chia sẻ với những mất mát, lo lắng của người nhà bệnh nhân. Trong ứng xử với người bệnh, luôn ân cần, cởi mở, hoà nhã với bệnh nhân. Đặc biệt là những lúc rãnh rỗi, các điều dưỡng luôn dành thời gian thăm hỏi, động viên người bệnh, nhằm tạo mối quan hệ thân thiện để hiểu thêm về tâm tư, nguyện vọng và sẵn sàng giải thích những băn khoăn, thắc mắc giúp cho người bệnh yên tâm, tin tưởng khi điều trị bệnh tại đây.

 

 
 
Vâng Nghề y - một con đường gian nan, lắm chông gai, người thầy thuốc dù cố gắng đến mấy cũng khó tránh khỏi những mũi gai vô hình. Phẫu thuật cứu sống cả nghìn người chưa chắc đã nhận được một lời khen. Nhưng không may sơ sẩy một ca bệnh thì thân bại danh liệt”. Bởi thế xin được san sẻ cùng mọi người thấu hiểu cho một nghề đặc biệt của chúng tôi, hãy đừng vì quá bức xúc mà xem thầy thuốc là cội nguồn của nguyên nhân để rồi có thể có những đánh giá, phản ứng quá mức đối với thầy thuốc.
 
Áp lực từ công việc chúng ta có thể gồng sức lên có thể vượt qua. Điều mà ĐD “ngậm đắng nuốt cay” là thái độ hành xử quá đáng của bệnh nhân và thân nhân của họ. Không hiếm bệnh nhân hoặc người nhà đã mắng Điều dưỡng xối xả. Có những đồng nghiệp của tôi từng bị tát, bị đánh và luôn nghe những lời cáu gắt từ bệnh nhân và người nhà bệnh nhân : “Nè cô kia, tìm cho cái giường đi chứ. Mấy cô đui hả?”. Nhưng đáp lại những lời nói cáu gắt đó thì thái độ của người điều dưỡng phải hết sứcnhẹ nhàng. Quả thật, Điều dưỡng làm việc  cần có thần kinh thép và phải tận hiến sức lực mới có thể cáng đáng công việc đầy áp lực như vậy.

 

Phòng cấp cứu khoa HSCC

 

   Với những áp lực như thế những viên chức y tế chúng tôi vẫn luôn làm việc với phương châm: “ Bệnh nhân đến tiếp đón niềm nở, bệnh nhân ở chăm sóc tận tình, bệnh nhân về dặn dò chu đáo” và luôn tạo dựng cho mình những hình ảnh đẹp, một môi trường làm việc an toàn, luôn sắp xếp nơi làm việc gọn gàng, sạch đẹp, sẵn sàng cho làm việc cho công tác cấp cứu và tiếp đón người bệnh. góp phần xóa bỏ tâm lý lo lắng, tạo cảm giác an tâm, thoải cho nhân viên cũng như người bệnh và người nhà bệnh nhân khi đến với Bệnh viện.Và cho dù là bất cứ nghề nào đi nữa, cũng cần có tâm, nghề Điều dưỡng nói riêng và nghề Y nói chung thì lại cần điều này hơn nữa, khi hằng ngày phải chứng kiến bao cảnh đời bất hạnh, bao căn bệnh hiểm nghèo. Dù vất vả, dù chưa được xã hội nhìn nhận, đánh giá một cách xứng tầm, nhưng tôi mong các bạn Điều dưỡng hãy luôn cống hiến hết mình cho Nghề, vì Nghề, vì người bệnh đã trao sinh mệnh cho chúng ta.
 
Khi viết những dòngtâm sự này, “chúng tôi” không có tham vọng ca ngợi nghề của mình mà chỉ gửi gắm tâm sự của một người điều dưỡng với những năm trong nghề, nếm bao hỉ nộ ái ố của cuộc sống. Không than phiền, không phê phán, không tán dương, không chê trách, chỉ là những tâm sự của người trong cuộc để mọi người chia sẻ, thấu hiểu và cảm thông cho công việc chúng tôi.
 
“Khi bạn cho đi hoa hồng, tay bạn sẽ vương lại mùi hương”.

 

                                                         Nguồn: Biên soạn và sưu tầm ( Khoa HSCC)