TẬP HUẤN BỘ CÔNG CỤ TRIỂN KHAI THÔNG TƯ 24/2017/TT-BYT VỀ PHÒNG CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH/BẠO LỰC GIỚI

Ngày đăng: 01/07, 08:54

Ngày 31/5-01/6, tại Thành phố Pleiku, Bộ Y tế phối hợp với Sở Y tế Gia Lai tổ chức tập huấn “Bộ công cụ triển khai thực hiện Thông tư 24/2017/TT-BYT về quy định quy trình tiếp nhận, chăm sóc y tế và thống kê, báo cáo đối với người bệnh là nạn nhân bạo lực gia đình tại cơ sở khám chữa bệnh” cho 74 cán bộ lãnh đạo, bác sỹ, điều dưỡng hiện đang công tác tại 17 Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Trong 02 ngày tập huấn, các học viên được giảng viên Cục Quản lý khám chữa bệnh truyền đạt các nội dung như: Khái niệm giới; bình đẳng giới và bất bình đẳng giới; giới thiệu các văn bản và quy định trong một số lĩnh vực cụ thể của Luật bình đẳng giới; tình hình bạo lực gia đình tại Việt Nam; triển khai Luật phòng, chống bạo lực gia đình; Thực hành các kỹ năng sàng lọc, phát hiện nạn nhân và quy trình tiếp nhận cấp cứu, chăm sóc y tế cho nạn nhân bạo lực giới/ bạo lực gia đình tại cơ sở y tế…

Tổ chức Y tế Thế giới đã coi bạo lực với phụ nữ, trẻ em gái là vấn đề y tế công cộng và quyền con người. Năm 2007, Luật phòng, chống bạo lực gia đình ra đời đã đặt ra vấn đề phòng chống bạo lực phụ nữ, bạo lực gia đình và quy định trách nhiệm thực hiện của cá nhân, tổ chức, trong đó có nhiệm vụ của ngành Y tế và cán bộ Y tế.

Theo đó, ngày 17/5/2017, Bộ Y tế cũng đã ban hành Thông tư 24/2017/TT-BYT về quy định quy trình tiếp nhận, chăm sóc y tế và thống kê, báo cáo đối với người bệnh là nạn nhân bạo lực gia đình tại cơ sở khám chữa bệnh. Năm 2018, Cục Quản lý Khám chữa bệnh đã phối hợp với WHO tổ chức đánh giá việc triển khai thực hiện tại 03 tỉnh: Phú Thọ, Hà Giang và Đăk Lăk.

Khoá tập huấn là một hoạt động đào tạo bổ ích, giúp định hướng cho học viên cách tiếp cận các kiến thức cơ bản về bạo lực giới, bạo lực gia đình; phân tích được các yếu tố nguy cơ và các giải pháp dự phòng. Thông qua tập huấn, giúp các học viên có thêm kiến thức, kỹ năng triển khai các hoạt động công tác phòng, chống bạo lực; nhận diện, tư vấn, can thiệp và chăm sóc nạn nhân bạo lực gia đình. Qua đó, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn và giảm thiểu những hậu quả đáng tiếc do bạo lực gia đình gây ra.

                     Phương Nga (Khoa TTGDSK-CDC)