NHỮNG ĐỨC TÍNH CẦN THIẾT CỦA NGƯỜI THẦY THUỐC

Ngày đăng: 10/09, 14:36

NHỮNG ĐỨC TÍNH CẦN THIẾT CỦA NGƯỜI THẦY THUỐC

1. Lòng nhân hậu, thương người

2. Sự kiên trì nhẫn lại

3. Sự can đảm không yếu bóng vía, không sợ bẩn, không sợ máu.

4. Tính cẩn thận, trung thực, tỉ mỉ.

5. Khả năng giao tiếp, phong thái cởi mở, biết cách tạo sự tin cậy, cảm thông chia sẻ với bệnh nhân.

6. Khả năng phán đoán, nhạy bén.

7. Đôi bàn tay khéo léo.

8. Sức khỏe tốt, thần kinh vững vàng.

Chỉ khi thầy thuốc biết đặt mình vào vị trí của bệnh nhân, để hiểu họ cần gì, cảm giác của họ ra sao, đồng thời đặt mình vào vị trí người nhà bệnh nhân để hiểu cho những lo lắng, bất an và nỗi đau xót của họ khi phải chứng kiến người mình yêu thương ngày ngày chống chọi với bệnh tật, thì người thầy thuốc mới có thể phát huy hết trí lực, dành hết tâm sức để cứu chữa cho họ.

Theo Bác Hồ, Y đức không chỉ là lòng yêu thương người bệnh vô bờ bến, là sự thật thà, đoàn kết với đồng nghiệp, mà còn là sự say mê nghề nghiệp, luôn tích cực trau dồi kiến thức để nâng cao năng lực chuyên môn và kiến thức toàn diện nhằm đáp ứng tốt hơn cho nhu cầu của sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của toàn nhân  dân. Người thầy cần phải chuyên sâu, muốn cho y đức được thực hiện đầy đủ và có ý nghĩa thực tiễn thì cần không ngừng trau dồi y lý, y thuật và luôn biết tự làm giàu trí tuệ cho mình.

 Đảng bộ TTYT Đak Đoa, quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức của người thầy thuốc, để nâng cao y đức cho đội ngũ thầy thuốc nói chung, cho những người y bác sĩ trên địa bàn huyện nói riêng, đòi hỏi toàn ngành cần thực hiện tốt các vấn đề cơ bản sau:

Một là, nâng cao chất lượng công tác giáo dục và tự giáo dục, đồng thời tổ chức tốt hoạt động thực tiễn, nhằm đảm bảo sự thống nhất giữa nâng cao ý thức và hành vi y đức cho những người công tác trong ngành y. Bởi lẽ, đạo đức nói chung và y đức nói riêng phải được xây dựng từng bước một cách tự giác thông qua quá trình hoạt động thực tiễn của mỗi con người. Đồng thời, tổ chức tốt hoạt động thực tiễn là giải pháp quan trọng hàng đầu nhằm đảm bảo sự thống nhất giữa nâng cao ý thức và hành vi y đức cho người thầy thuốc hiện nay.

Hai là, xây dựng môi trường y đức thật sự trong sạch, lành mạnh, đi đôi với việc đấu tranh chống biểu hiện tiêu cực về y đức ở các cơ sở y tế. Đây là giải pháp quan trọng để hoàn thiện nhân cách cho người thầy thuốc nói chung và y đức cách mạng cho họ nói riêng.

Ba là, các cấp ủy đảng và lãnh đạo ngành y tế cần làm tốt công tác quy hoạch, quản lý, đào tạo, sử dụng cán bộ; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người thầy thuốc, tạo động lực giúp họ vươn lên tự tu dưỡng, rèn luyện nâng cao phẩm chất đạo đức.

Có thể nói rằng, Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác y tế và sức khoẻ là kim chỉ nam giúp Đảng ta xây dựng những quan điểm cơ bản có ý nghĩa định hướng cho sự phát triển một nền y học Việt Nam tiên tiến hiện đại. Tư tưởng về y đức của Người vẫn còn sống mãi và trở thành là bài học quý báu, là ngọn đèn, soi đường chỉ lối cho những người làm công tác y tế nước ta nói chung, huyện Đak Đoa  nói riêng. Vì vậy, để những hình ảnh của người thầy thuốc đẹp mãi trong lòng nhân dân, và để cho y đức luôn là niềm tự hào của ngành y, mỗi thầy thuốc cần phải nêu cao lòng nhân ái, cần phải không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nâng cao tinh thần trách nhiệm đối với bệnh nhân, có như thế mới xứng đáng với những lời dạy của Bác Hồ về y đức, với truyền thống vẻ vang của ngành y, xứng đáng với vẻ đẹp trong sáng và nhân văn của những chiến sỹ khoác áo blouse trắng trên mặt trận chống bệnh tật và cứu người.

                                                                         

                                                      Tác giả: BS.Vũ Thư